(ANTV) - Thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã trở thành phong trào, thành nhu cầu, thành nếp văn hóa và đạt nhiều kết quả quan trọng.
ANTV - Truyền hình Công an nhân dân trân trọng giới thiệu bài viết: "HỌC TẬP SUỐT ĐỜI" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.
HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
TÔ LÂM
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội.
Cách mạng khoa học công nghệ đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, tạo nên sự biến cách to lớn trong đời sống xã hội, đặt ra những yêu cầu mới, nhu cầu mới, nhiệm vụ mới, suy nghĩ mới, hành động mới với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là tận dụng tối đa thời cơ, vận hội, đi tắt đón đầu, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách trong giai đoạn mới, học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành những người hữu dụng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với từng cá nhân, mỗi công dân, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên trong hệ thống chính trị.
Học tập suốt đời không phải là vấn đề mới. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào toàn dân, toàn quân xóa nạn mù chữ, Người căn dặn: “… Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” bởi “Người Cách mạng phải học suốt đời, học trong sách vở, học lẫn nhau và học từ nhân dân; “bể học” mênh mông, không bao giờ cạn”.
Thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã trở thành phong trào, thành nhu cầu, thành nếp văn hóa và đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đã hình thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học; các loại hình trường, lớp, loại hình đào tạo được đa dạng hóa, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi.
Phương thức cung ứng, kết nối giữa các trình độ đào tạo được cải thiện; mạng lưới, quy mô giáo dục mở rộng khắp các vùng, miền của đất nước; các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài từng bước đi vào chiều sâu, thực chất hơn ở hầu khắp các địa phương; môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, gắn với cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa.
Trong nhiều dòng họ, làng, xã, thôn, bản phong trào thi đua học tập phát triển mạnh. Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền...
Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu là nông dân, người lao động, cán bộ, giáo viên tích cực tự học, sáng tạo trong lao động, công tác, có nhiều đóng góp cho cộng đồng; nhiều tấm gương tiêu biểu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có nhiều nghiên cứu, sáng kiến giải pháp hiệu quả mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn, trong sản xuất và đời sống; nhiều người lớn tuổi nhờ tự học, tự nghiên cứu áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để sản xuất đã giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới và đóng góp cho kinh tế-xã hội ở địa phương.
Những mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, có nhiều người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn theo học cao học, làm luận án tiến sỹ chỉ với mục đích học để làm gương cho con cháu noi theo và khuyên con cháu “học, học nữa, học mãi”; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”, góp phần để đất nước ta đạt được những thành tựu vĩ đại sau gần 40 năm đổi mới.
Bên cạnh kết quả, thực hiện chủ trương học tập suốt đời vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng mà chưa thực sự chú trọng tới chất lượng; việc tự học, thực học và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đạt kết quả như mong muốn; còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn, ngại khó, ngại khổ trong học tập, không đào sâu suy nghĩ để vươn lên chinh phục những đỉnh cao trong khoa học.
Tình trạng hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ nghĩa cá nhân, bệnh kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân; ảnh hưởng đến tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo, không đủ nền tảng kiến thức và tự tin về năng lực đề xuất và thực hiện những sáng kiến, giải pháp đột phá.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thỏa mãn với kiến thức đã học trong các trường lớp, cơ sở đào tạo, hoặc chạy theo việc học để hoàn thiện bằng cấp đủ điều kiện thăng tiến, không chịu nghiên cứu, học hỏi thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, kiến thức, kỹ năng hội nhập và khả năng thích ứng... Một bộ phận biểu hiện ngại học, không có khái niệm học thường xuyên, học suốt đời nên trở thành lạc hậu, bảo thủ, không thích nghi và bắt nhịp với “guồng quay” hối hả của nhịp sống “vũ bão” thời khoa học và công nghệ 4.0 và X.0.
Đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để “sánh vai” với thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc.
Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài đưa đất nước, dân tộc bước vào xã hội giàu mạnh, người dân ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển; hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những cán bộ có tư duy, tầm nhìn, việc làm đột phá, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, đặc biệt trong thực hiện các cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh; hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cách mạng 4.0 đang diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số khiến một phần nội dung giảng dạy tại nhà trường hôm nay có thể thành lạc hậu, lỗi thời sau vài năm; hơn thế, những điều phổ biến hiện nay thì 10 năm trước còn chưa xuất hiện và có 65% những công việc hiện nay sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong những năm tới.
Với thế giới phức tạp, không ổn định và biến đổi khôn lường, tri thức phải không ngừng được bổ sung, tuổi thọ con người dài hơn, thời gian về hưu đủ dài, buộc người cao tuổi phải học và hoạt động để không bị lạc hậu với xã hội hiện đại.
Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời trở thành một quy luật sống; không chỉ giúp mỗi cá nhân nhận biết, thích nghi, không tụt hậu trước sự biến đổi từng ngày của thế giới hiện tại, làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân cách, vượt qua khó khăn, thử thách để ngày càng tiến bộ và định vị bản thân trong xã hội hiện đại; cao hơn, đây là chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững.
Học tập suốt đời giúp mỗi thành viên trong xã hội có đủ điều kiện và cơ hội tự hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, của gia đình, họ tộc, thôn, xóm, phường, xã và cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trên con đường trở thành nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xã hội chủ nghĩa.
Chỉ khi đẩy mạnh thực chất học tập suốt đời, chúng ta mới giàu có những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ; khắc phục triệt để những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, biểu hiện hình thức trong tự phê bình và phê bình; xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong giải quyết công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo ra được đội ngũ cán bộ dũng cảm, nhận thức đúng quy luật khách quan, chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ, dám nói những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, từ cuộc sống sinh động, từ đòi hỏi của đổi mới và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; có quyết tâm, dám chịu trách nhiệm về kết quả công việc, lĩnh vực, ngành mà mình đảm trách, dám nhận lỗi, sửa sai, chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, biết làm chủ bản thân và công việc; dám chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng và nếu cần, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì Đảng, vì Tổ quốc và nhân dân.
Khi đó, chúng ta sẽ xây dựng thành công đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình để hiện thực hóa nhiệm vụ cách mạng, tạo ra đột phá vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời chỉ thành công khi mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời; mỗi cán bộ, đảng viên luôn ý thức rõ học tập suốt đời là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc và ý thức tự giác cao.
Qua học tập suốt đời để nhận thức được trách nhiệm đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể; có năng lực làm chủ, năng lực tổ chức cuộc sống; để không ngừng tiến bộ, có sức khỏe, có chất lượng sống tốt hơn; hiểu biết, giữ gìn và góp phần xây dựng truyền thống văn hóa dân tộc; tin tưởng vào tương lai đất nước, vào đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, có khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mỗi công dân cần không ngừng học tập về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kinh nghiệm làm việc và khả năng phối hợp trong tập thể để nâng cao tính kỷ luật của tổ chức, năng suất lao động và phát huy sức mạnh tổng hợp; mỗi cán bộ, đảng viên cần học về tư cách người cán bộ cách mạng, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân; không ngừng tự học tập, tự cập nhật kiến thức mới, tham gia tích cực phong trào “học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức số; tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ tự học tập suốt đời. Qua học tập suốt đời để hoàn thành được mọi nhiệm vụ mà Đảng, cách mạng và nhân dân giao phó.
Mỗi cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp cần nhận thức rõ mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người xã hội chủ nghĩa, từ đó xác định các nội dung học tập suốt đời cho cán bộ, đảng viên, thành viên gắn với phát động thi đua, đánh giá, biểu dương, khen thưởng.
Đảng, Nhà nước sẽ sớm tổng kết, đánh giá, nghiên cứu ban hành quy định, quy trình, đổi mới quan điểm đánh giá, sàng lọc, quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng hoàn chỉnh bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; bảo vệ cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích chung.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Có các giải pháp cụ thể nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.
Theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại do nguyên nhân khách quan.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hàng ngày theo cấp số nhân.
Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
T.L
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.61
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.333
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.137
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.208
(ANTV) - TP.HCM đang bước vào giai đoạn thi đua cao điểm 100 ngày với khẩu hiệu “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đợt thi đua này, các phường, xã tại TP.HCM đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể góp phần đưa bộ máy hành chính vận hành đồng bộ, thông suốt và gần dân hơn.
(ANTV) - Công an tỉnh Lâm Đồng vừa bắt tạm giam Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc và Nguyễn Phi Châu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Ban Silk để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(ANTV) - Liên quan đường dây ma túy hoạt động tinh vi tại 3 quán bar mà công an TP.HCM vừa triệt phá, bước đầu, cơ quan CSĐT Công an TPHCM xác định: các đối tượng là chủ cơ sở đã làm ngơ để khách sử dụng ma túy tại quán, ngoài ra còn “bảo kê” cho hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.
(ANTV) - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho biết, vừa xử phạt hành chính 1 người đàn ông sn 1983, trú xã An Khánh, tp Hà Nội về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”
(ANTV) - Hôm nay kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025). Ngày này hằng năm là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
(ANTV) - Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Cụm thi đua số 6 - Công an TP.HCM phối hợp phường Đông Hưng Thuận, Câu lạc bộ tình nguyện Vì an ninh và bình yên thành phố tổ chức chương trình "Hành trình niềm tin", giao lưu - tọa đàm cùng nhân vật lịch sử tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2. Khách mời đặc biệt của chương trình là nữ biệt động - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi.
(ANTV) - Giữa cuộc sống yên bình hôm nay, đôi khi chúng ta quên rằng có những con người vẫn đang âm thầm giữ gìn sự bình yên ấy mỗi ngày. Họ là những chiến sĩ công an với lý tưởng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ cộng đồng. Sự hy sinh thầm lặng của họ không chỉ xứng đáng được tri ân, mà còn là bài học lớn về lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và tình yêu đất nước. Với người trẻ, đó là niềm tự hào và cũng là lời nhắc nhở để chúng ta sống có lý tưởng, biết sẻ chia và góp phần dựng xây một xã hội tốt đẹp hơn.
(ANTV) - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) khu vực Tây và Trung Phi, cho biết Nigeria đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đói nghèo chưa từng có khi gần 31 triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp.
(ANTV) - Khoảng 300 công nhân, người đi bộ đường dài và khách du lịch đã bị mắc kẹt do lở đất ở tỉnh miền núi Shizuoka, miền Trung Nhật Bản.
(ANTV) - Ngay sau khi nhận được thông tin phối hợp truy bắt đối tượng bỏ trốn, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Trị đã chủ trì triển khai nhanh lực lượng cùng phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Hải Quỳnh tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, thu giữ 02 súng quân dụng và nhiều tang vật liên quan