
(ANTV) - Việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tham gia hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp, vũ khí huỷ diệt hàng loạt; phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không còn phù hợp với thực tiễn nên đã đặt ra cho cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất sửa đổi cho phù hợp. Vì sao phải xây dựng Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)? – Phát thanh CAND có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phùng Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an
PV: Thưa Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, nội dung chính sửa đổi, bổ sung trong Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) lần này là gì?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng: Qua quá trình nghiên cứu xây dựng,chúng tôi đã đề xuất 04 chính sách lớn trong Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), gồm:
-Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới; quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao, trong đó quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ để quản lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phục vụ công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
- Chính sách 2: Cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng. Chính sách này nhằm triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ như:Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030nhằm thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
- Chính sách 3: Cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng. Chính sách này nhằm tận dụng nguồn lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Trong Luật Quản lý, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành đang tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác. Điều này tạo ra các kẽ hở để bọn tội phạm lách luật là nguyên nhân chính gây khó khăn khi xử lý các vụ việc phạm tội nên cần phải sửa đổi? Quan điểm sửa đổi theo hướng nào để đáp ứng với yêu cầu thực tế trong phòng, chống tội phạm hiện nay và nâng cao hiệu quả trong việc xử lý hình sự các vụ, việc vi phạm pháp luật có sử dụng vũ khí, công cụ gây án?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng: -Như các đồng chí đã biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định các loại vũ khí, gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ và các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự. Tuy nhiên,các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, đầy đủ và chưa phân định cụ thể vũ khí thô sơ khi trang bị, sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao là vũ khí thể thao nhưng khi trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác sử dụng để thi hành công vụ thì không là vũ khí quân dụng. Đồng thời, Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng; Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao khi đối tượng vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích. Vì vậy, khi áp dụng xử lý hình sự đối các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn còn chồng chéo, chưa thống nhất, khi thì áp dụng tương tự như vũ khí quân dụng, khi thì áp dụng tương tự như vũ khí thể thao, súng săn.
- Bên cạnh đó, đối với các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén ga, nén hơi là loại vũ khí có tính sát thương rất cao, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, nhiều vụ đối tượng sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người nguy hiểm như vũ khí quân dụng (một lần bắn có thể chết hoặc bị thương nhiều người);trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chưa quy định cụ thể đối với các loại vũ khí này nên việc xử lý hình sự gặp rất nhiều khó khăn, không có đủ căn cứ kết luận là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí tương tự vũ khí quân dụng, nên tội phạm đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép phổ biến các loại vũ khí này.
- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chưa quy định linh kiện để lắp ráp vũ khí là vũ khí nên các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để mua bán vũ khí bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tháo rời vũ khí thành nhiều bộ phận để bán, vận chuyển qua không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông... sau khi đối tượng nhận đủ các bộ phận đã tự lắp ráp thành vũ khí. Vì vậy, để quản lý chặt chẽ, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm thì cần thiết bổ sung quy định về khái niệm linh kiện vũ khí.
PV: Trong nội dung chính sửa đổi của đạo Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lần này đáng chú ý là đề xuất quy định “Dao có tính sát tương cao” là vũ khí thô sơ và khi sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng. Đồng chí nói rõ hơn về chi tiết này?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng: Theo thống kê, trong 05 năm các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 16.841 vụ, 26.472 đối tượng sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao để gây án(chiếm 62% tổng số vụ, 56,7% tổng số đối tượng). Như vậy, số vụ, đối tượng sử dụng dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, tuy nhiên quá trình điều tra các vụ án cho thấy, chỉ khởi tố, truy tố, xét xử đối tượng khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí; hiện nay đối tượng đang lợi dụng triệt để khoảng trống của pháp luật để tàng trữ, sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích trái pháp luật. Để có căn cứ pháp lý xử lý thì cần thiết phải đưa dao có tính sát thương cao vào khái niệm vũ khí, khi sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải là vũ khí, nhưng khi đối tượng sử dụng trái pháp luật trực tiếp gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người thì được xác định là vũ khí quân dụng; đồng thời, có quy định về quản lý sẽ phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn không để đối tượng tàng trữ, sử dụng gây ra các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, do đó, dự thảo Luật đưa ra khái niệm “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc dao có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao”, đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục chi tiết dao có tính sát thương cao.
PV: Như vậy, có thể hiểu, trong lần sửa đổi này thì bất kỳ loại “Dao có tính sát thương cao” nào cũng được coi là vũ khí quân dụng hay “Dao có tính sát thương cao”chỉ được là vũ khí quân dụng khi có đáp ứng các điều kiện cụ thể, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng: Tại dự thảo Luật quy định khái niệm vũ khí quân dụng, trong đó, “Vũ khí thô sơ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật”. Như vậy, vũ khí thô sơ, trong đó bao gồm dao có tính sát thương cao chỉ được coi là vũ khí quân dụng khi được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật.
PV: Nếu đưa vào quy định đối với “Dao có tính sát thương cao” là vũ khí quân dụng thì các cơ sở rèn đúc sắt có phải đưa vào quy định trong đạo luật này hay không. Bởi thực tế cho thấy, trong các vụ gây rối trật tự công cộng có sử dụng vũ khí thì phần nhiều thấy đều là tự chế như đao, kiếm, liềm, dao nhọn hàn với tuýp sắt?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng: Qua khảo sát toàn quốc có 12 làng nghề, 12.300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia sản xuất, kinh doanh với trên 2.300 mẫu dao khác nhau sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt nhưng pháp luật chưa có quy định việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dao. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán các sản phẩm này đang diễn ra tràn lan ngoài xã hội, không gian mạng, dịch vụ bưu chính, người dân có thể đặt hàng mua theo yêu cầu về kiểu dáng, kích thước. Vì vậy, đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng dao, phương tiện tương tự dao vào mục đích trái pháp luật. Tại dự thảo Luật, chúng tôi quy định 01 điều về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao, trong đó quy định:
- Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao phải đáp ứng điều kiện, gồm: Phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Chủng loại sản phẩm phải có nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất;Lập sổ sách để theo dõi số lượng, chủng loại sản phẩm sản xuất, kinh doanh,xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo với Công an cấp xã nơi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng trụ sở hoặc cư trú về thông tin sản phẩm, gồm: Số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, nơi sản xuất.
- Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thông tin do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai báo để quản lý, theo dõi.
Việc dự thảo Luật quy định trên nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng dao, phương tiện tương tự dao vào mục đích trái pháp luật. Đồng thời, việc quy định trên rất đơn giản, không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
PV: Ngoài “Dao có tính sát thương cao”nhưng sử dụng trực tiếp gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật sẽ được quy định là vũ khí quân dụng, còn các loại súng tự chế, có được quy định là vũ khí quân dụng trong lần sửa đổi Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ này không? Nếu có cần đáp ứng điều kiện gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng: Như các đồng chí đã biết, trong 05 năm các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 1.783 vụ, 2.589 đối tượng sử dụng súng tự chế để gây án. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chưa quy định cụ thể đối với các loại vũ khí này nên việc xử lý hình sự gặp rất nhiều khó khăn, không có đủ căn cứ kết luận là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí tương tự vũ khí quân dụng, nên tội phạm đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép phổ biến các loại vũ khí này. Thực tế cho thấy,đối với các loại súng tự chế là loại vũ khí có tính sát thương rất cao, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, nhiều vụ đối tượng sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người nguy hiểm như vũ khí quân dụng (một lần bắn có thể chết hoặc bị thương nhiều người). Do đó, dự thảo Luật quy định súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng bắn đạn nổ, súng bắn đạn sơn, súng nén ga, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc nhóm vũ khí quân dụng; đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục các loại vũ khí này.
PV: Vậy còn các loại công cụ hỗ trợ khác có sửa đổi, điều chỉnh không? Nếu có, cụ thể là gì thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng: Đối với khái niệm công cụ hỗ trợ, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định khái quát, không liệt kê cụ thể vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, năm 2017 quy định khái niệm công cụ hỗ trợ còn liệt kê cụ thể từng loại công cụ hỗ trợ, trong khi đó quá trình thực hiện, phát sinh nhiều loại công cụ hỗ trợ mới cần thiết phải trang bị cho các lực lượng chức năng để thi hành công vụ để phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nhưng chưa có quy định trong danh mục công cụ hỗ trợ của Luật nên không trang bị, sử dụng được. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khái niệm công cụ hỗ trợ theo hướng quy định khái quát, không liệt kê và giao Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục công cụ hỗ trợ.
Theo thống kế của cơ quan Công an, qua 05 triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ trên 34.000 vụ, 56.000đối tượng vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, dao và phương tiện tương tự dao, thu nhiều súng, đạn, bom, mìn, công cụ hỗ trợ và linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ. Riêng tội phạm tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án là trên 27.000 vụ (chiếm gần 80% tổng số vụ sử dụng trái phép), 46.600 đối tượng (chiếm hơn80% tổng số đối tượng sử dụng trái phép). Lực lượng chức năng toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp gần 100.000 khẩu súng các loại, trên 17.800 bom, mìn, lựu đạn; trên 400.000 viên đạn.
Qua thống kê cho thấy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao chiếm tỷ lệ rất cao, chủ yếu phạm tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, nhất là sử dụng trái phép dao, phương tiện tương tự dao gây án, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân; trong khi đó,việc xử lý hình sự đối với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, việc sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là điều cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế. Ngày 26/12/2022, UBT Quốc Hội đã ban hành NQ số 674/NQ-UBTVQH15, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023, trong đó, giao Bộ Công an lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dung vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
(ANTV) - Những ngày gần đây, sự kiện cơ quan công an triệt phá một đường dây sản xuất sữa bột giả với 573 nhãn hiệu sữa bột hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận khiến dư luận lo lắng về chất lượng thực phẩm, bày tỏ lo ngại về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Chương trình Tiêu điểm ANTT hôm nay, với sự đồng hành của Luật sư Phạm Văn Thảo- GĐ Công ty Luật Hưng Thịnh Việt Nam chúng tôi sẽ bàn luận về nội dung này.
(ANTV) - Luật Đất đai 2024 luật gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.Bộ luật được đánh giá có nhiều điểm mới quan trọng về chính sách quản lý đất đai, thu hồi, trưng dụng đất để thực hiện các dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
(ANTV) - Nhằm tôn vinh truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Bộ Công an phát động Cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký với chủ đề “Công an nhân dân - 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”.
(ANTV) - Những năm gần đây, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của công nghệ thông tin, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài gia tăng hoạt động tại Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự.
(ANTV) - Quy trình đăng ký xe tại Công an xã Hà Hồi không chỉ được triển khai bài bản mà còn được thiết kế với mục tiêu rõ ràng: rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu thủ tục rườm rà và đặt trải nghiệm của người dân làm trung tâm.
(ANTV) - Trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp, việc phát triển lực lượng an ninh cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tại phường Trung Văn, Hà Nội, công tác này đã và đang được triển khai mạnh mẽ, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân.
(ANTV) - Bắt đầu từ ngày 1/3, việc cấp, đổi giấy phép lái xe được chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
(ANTV) - Từ ngày 01/03/2025, Bộ Công an chính thức tiếp quản công tác quản lý nhà nước về cai nghiện và quản lý sau cai từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sự thay đổi này đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác đấu tranh với tệ nạn ma túy.
(ANTV) - Những người thầy trong Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, đóng trên địa bàn xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, vẫn ngày đêm lặng lẽ vượt lên mọi khó khăn, giúp bao mảnh đời lầm lỡ chót xà vào ma túy. Với họ, khi một học viên ra khỏi trung tâm, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội, đó chính là những bông hoa tri ân cho công việc thầm lặng của mình.
(ANTV) - Quảng cáo trực tuyến và livestream bán hàng đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thế nhưng, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ kiến thức để nhận biết và chọn lựa cho mình những sản phẩm chính hãng.