Thứ Hai, 28/07/2025 04:01 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Xu hướng tảo hôn gia tăng sau mùa mưa lũ ở Pakistan

(ANTV) - "Cô dâu mùa mưa" là một cách gọi về tình trạng tảo hôn do biến đổi khí hậu ở Pakistan. Sở dĩ như vậy là vì thời tiết khắc nghiệt đang đẩy nhiều gia đình ở nước này lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, làm nảy sinh giải pháp gả con gái đi sớm để đổi lấy tiền. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã báo cáo về những bước tiến đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hôn nhân trẻ em nhưng bằng chứng cho thấy thời tiết cực đoan đang đặt chúng vào nguy cơ mới.

Khi những cơn mưa gió mùa bắt đầu trút xuống Pakistan, hai chị em Shamila (14 tuổi) và Amina (13 tuổi) đã bị cha mẹ gả đi để đổi lấy tiền nhằm giúp gia đình vượt qua mùa lũ. Shamila, cô chị cả, kết hôn với một người đàn ông lớn gấp đôi tuổi mình. Trong hoàn cảnh bế tắc, quyết định này được đưa ra bởi chính cha mẹ của các em.

Dù tỷ lệ kết hôn ở trẻ vị thành niên tại Pakistan đã giảm dần trong những năm gần đây, trận lũ lụt khủng khiếp vào năm 2022 đã làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà hoạt động xã hội cảnh báo rằng tình trạng kết hôn sớm đang gia tăng do nền kinh tế bất ổn, một phần lớn là do tác động của biến đổi khí hậu.

Ở nhiều ngôi làng thuộc tỉnh nông nghiệp Sindh, sự tàn phá từ trận lũ lụt năm 2022 vẫn còn hiện hữu. Lũ lụt đã nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan, khiến hàng triệu người phải di dời và mùa màng bị hủy hoại. Hậu quả của thiên tai đã tạo ra một xu hướng đau lòng: "cô dâu mùa mưa". Các gia đình trong tình trạng túng quẫn buộc phải tìm mọi cách để sinh tồn, và đối với họ, việc gả con gái đi để đổi lấy tiền là cách duy nhất để thoát khỏi đói nghèo.

Ông Mashooque Birhmani, Giám đốc điều hành của Tổ chức bảo vệ người thiệt thòi Sujag Sansar tại Pakistan, đã nêu rõ tình trạng này: "Nếu nhìn vào các con số, cụ thể là ở làng này, đã có 45 đám cưới của các bé gái trong năm nay, trong khi làng chỉ có 250 gia đình. 15 bé gái đã trở thành vợ người ta trong 3 tháng qua." Tỷ lệ này cho thấy sự gia tăng đáng báo động của các cuộc hôn nhân tảo hôn sau thảm họa lũ lụt.

Cha mẹ của những cô dâu nhỏ thường biện minh rằng họ gả con gái đi để cứu các em khỏi cảnh nghèo đói, chứ không phải để đổi lấy tiền. Tuy nhiên, câu chuyện của mẹ chồng Shamila đã vạch trần sự thật đằng sau: "Tôi đã đưa 200.000 Rupee (gần 18 triệu đồng) cho cha mẹ cô dâu - một khoản tiền rất lớn đối với một khu vực mà hầu hết các gia đình chỉ sống với khoảng 25.000 đồng/ngày."

Najma Ali, một cô gái khác, bị gả đi khi mới 14 tuổi vào năm 2022. Giờ đây, ở tuổi 16, Najma đã phải trở về nhà bố mẹ đẻ cùng với đứa con 6 tháng tuổi và người chồng 18 tuổi vì không có cách nào để nuôi sống bản thân. Cô kể lại: "Nhà của bố mẹ tôi đã bị sập trong lũ lụt. Tất cả gia súc đều chết hết. Gia đình tôi nói rằng bây giờ chúng tôi không còn gì, và đó là lý do vì sao bố mẹ tôi gả tôi đi. Chồng tôi đã đưa cho bố mẹ tôi 250.000 rupee để làm đám cưới nhưng đó thực ra là tiền anh ấy đi vay mà bây giờ anh ấy không có cách nào trả được."

Mehtab, một cô bé mới 10 tuổi, cũng suýt bị gả đi sau trận lũ lụt. May mắn thay, tổ chức Sujag Sansar đã can thiệp kịp thời, giúp cô bé tránh khỏi cuộc hôn nhân tảo hôn. Hiện nay, Mehtab đã được ghi danh vào một xưởng may, nơi cô bé có thể kiếm được một khoản thu nhập nhỏ trong khi vẫn tiếp tục học hành. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi vẫn ám ảnh cô bé mỗi khi mưa gió mùa đến, lo rằng cuộc hôn nhân bị hứa hẹn trước đây sẽ trở thành hiện thực.

Mehtab chia sẻ: "Cháu không muốn kết hôn bây giờ. Cháu thấy những cô gái đã kết hôn xung quanh mình có cuộc sống rất khó khăn và cháu không muốn điều đó xảy ra với mình. Giờ cháu muốn học hành và may vá rồi về sau mới kết hôn."

Tình cảnh của những cô dâu nhỏ như Shamila, Amina, Najma, và Mehtab phản ánh sự tuyệt vọng của các gia đình khi đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Trong khi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội đang nỗ lực để ngăn chặn các cuộc hôn nhân tảo hôn, thì thực tế vẫn là hàng nghìn cô gái trẻ ở Pakistan đang bị đẩy vào những cuộc hôn nhân không mong muốn do sự tàn phá của môi trường và sự bấp bênh của đời sống kinh tế.

Những câu chuyện này là lời nhắc nhở về nhu cầu cấp bách phải có các giải pháp dài hạn để bảo vệ quyền lợi của trẻ em gái, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương trong việc phục hồi sau thiên tai. Nếu không, những cô dâu mùa mưa sẽ tiếp tục xuất hiện, đánh dấu một tương lai u ám cho các thế hệ tiếp theo của Pakistan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

  Lừa đảo ‘đặt cọc xe điện’ trên mạng xã hội

Lừa đảo ‘đặt cọc xe điện’ trên mạng xã hội

Pháp luật 27/07/2025

(ANTV) -Lợi dụng chủ trương chuyển đổi xe chạy nhiên liệu hóa thạch sang xe sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp hàng loạt quảng cáo với nội dung “trợ giá xe điện”, “ưu đãi đặt cọc xe máy chỉ từ vài trăm nghìn đồng”. Tuy nhiên, phía sau những lời mời gọi hấp dẫn đó, lại là những chiếc bẫy tinh vi.

Tăng trưởng GDP 8%: Cần giải pháp mạnh tay từ chính sách đến thị trường

Tăng trưởng GDP 8%: Cần giải pháp mạnh tay từ chính sách đến thị trường

Kinh tế 27/07/2025

(ANTV) - Theo tính toán Cục Thống kê (Bộ Tài chính)để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, nền kinh tế Việt Nam cần tăng trưởng tới 8,42% trong 6 tháng cuối năm. Đây được coi là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Để đạt mục tiêu này, phải phát huy tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống bên cạnh các động lực tăng trưởng mới.

TP.HCM hướng tới mô hình siêu đô thị quốc tế

TP.HCM hướng tới mô hình siêu đô thị quốc tế

Kinh tế 27/07/2025

(ANTV) - Việc thành lập TP.HCM mới từ sự hợp nhất 3 địa phương đánh dấu bước chuyển mình mang tính bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị của Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng là rất quan trọng, đồng thời thành phố cần những động lực tăng trưởng mang tính đột phá.

Phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"

Phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"

Xã hội 27/07/2025

(ANTV) - Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), lực lượng Công an các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng tránh sạt lở

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng tránh sạt lở

Xã hội 27/07/2025

(ANTV) - Sau lũ, các hộ dân miền núi ở Nghệ An đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là ở những khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ trước đó, như ở xã Nhôn Mai, Lượng Minh (huyên Tương Dương cũ). Công an các xã đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân.

Xem thêm