Chủ Nhật, 27/07/2025 22:44 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

Ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm mộ liệt sĩ

BT

(ANTV) - Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, có 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm Trong thời đại ứng dụng chuyển đổi số, nhiều giải pháp công nghệ từ Đề án 06 đã và đang được triển khai, nhằm hỗ trợ hành trình dài tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính, đưa các anh trở về với đất mẹ.

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an đã ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.

Vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ ra mắt “ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”

Việc xây dựng “Ngân hàng Gen” cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 180.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang, nhưng chưa xác định được danh tính.

Đây là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước, trong tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Hiện, công tác giám định gen còn nhiều khó khăn, không ít gia đình liệt sĩ đã đón nhận niềm vui vỡ òa sau thời gian dài chờ đợi khi nhờ kết quả giám định ADN mà tìm dược mộ người thân.

Là một trong số 4 gia đình tìm được thân nhân của mình thông qua giám định gen, bà Phạm Thị Vinh, em gái liệt sĩ Phạm Văn Phước đã bày tỏ niềm vui mừng, xúc động khi ngày hôm nay đã nhận được kết quả xác định được chính xác thông tin của người anh trai sau nhiều năm dài tìm kiếm….

Bà Phạm Thị Vinh, Em gái liệt sĩ Phạm Văn Phước chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình tôi đi tìm anh rất vất vả. Nay cuối cùng đã tìm được anh trở về. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành đã giúp đỡ gia đình tôi tìm và đưa anh về.

Đến nay, lực lượng chức năng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Từ đó, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Nhằm đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai lấy mẫu gen của các trường hợp thân nhân liệt sĩ để tổ chức giám định, lưu trữ trong ngân hàng Gen.

Thông tin gen này sẽ được tích hợp vào dữ liệu căn cước, và tiến hành đối soát với gen liệt sĩ từ phía Cục Người có công thuộc Bộ LĐTBXH để xác định sự trùng khớp danh tính.

Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, linh thiêng, đòi hỏi phải gấp rút, chạy đua với thời gian vì thân nhân của các liệt sĩ hiện đều đã lớn tuổi, và cần phải làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ.

Ông Lê Trạch Tiêu năm nay đã 87 tuổi, niềm đau đáu trong suốt hàng chục năm qua của ông đó là tìm kiếm được hài cốt của người em trai liệt sĩ. Gia đình ông cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi tìm mộ nhưng đều không có kết quả. Hôm nay, được lấy mẫu ADN để giám định tìm kiếm, niềm hy vọng 1 lần nữa được thắp sáng trong gia đình ông.

Bà Lê Thị Kỷ, con gái Liệt sĩ Lê Tràng Quát cho biết: Gia đình tôi đi tìm liệt sĩ Lê Tràng Quát, tìm kiếm mong mỏi nhiều năm nay rồi nhưng vẫn chưa tìm thấy. Cũng mong muốn là tìm được, đưa bố tôi về, đấy chính là mong muốn nhất của tôi lúc này.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lộc năm nay cũng đã tuổi cao. Mẹ có 2 con là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam, đến nay, một người con vẫn chưa được tìm thấy. Niềm ước ao lớn nhất của mẹ lúc này là sớm được tìm thấy con.

Ông Nguyễn Văn Xuân, con trai Liệt sĩ Nguyễn Văn Thu cho biết: Rất là hy vọng Đảng và Nhà nước hỗ trợ tìm kiếm em tôi về cho gia đình. Vì mẹ tôi cũng đã tuổi cao sức yếu nên rất mong mỏi con được về gần.

Việc triển khai thu thập mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính để đưa vào ngân hàng gen hiện đang được lực lượng Công an các địa phương triển khai. Trong đó mỗi gia đình liệt sĩ sẽ tiến hành thu nhận 2 mẫu của thân nhân. Đây là hy vọng trong hành trình dài hàng chục năm tìm người thân chưa biết hiện đang nằm lại ở đâu của các gia đình thân nhân liệt sỹ…

Ông Lê Hữu Nghị, phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Anh trai tôi là liệt sĩ, hơn 50 năm chưa tìm được mộ. Hi vọng bằng nhiều biện pháp có thể giúp gia đình tôi tìm được mộ anh, đây là nỗi đau đáu của toàn bộ gia đình tôi.

Ông Nguyễn Văn Xuân, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội  hy vọng Đảng và Nhà nước hỗ trợ tìm kiếm em tôi về cho gia đình. Vì mẹ tôi cũng đã tuổi cao sức yếu nên rất mong mỏi con được về gần

Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hà Nội cho biết: Ưu tiên của chúng tôi đó là lấy mẫu của tất cả các trường hợp là mẹ liệt sĩ hiện nay đặc biệt là những mẹ cao tuổi. Sau đó chúng tôi sẽ sàng lọc tất cả các trường hợp là thân nhân bên ngoại của liệt sĩ, ưu tiên các trường hợp lớn tuổi và sẽ triển khai các lứa tuổi tiếp theo.

Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu mẫu ADN thân nhân liệt sĩ sẽ được xét nghiệm miễn phí. Trong đó sẽ ưu tiên lấy mẫu người thân liệt sĩ là: mẹ, bà ngoại, bác, cậu, dì, anh chị em cùng mẹ. Dữ liệu này được Bộ Công an lưu trữ tập trung tại Cơ sở dữ liệu căn cước để đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định thông tin.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Tôi nghĩ rằng việc triển khai làm trước, thu thập mẫu thân nhân là việc rất cấp bách, đây là ưu tiên hàng đầu. Phấn đấu đến hết năm 2025, chúng ta sẽ tạo dựng được hết mẫu thân nhân. Sau khi chúng ta quy tụ được các anh hùng liệt sĩ thì chúng ta sẽ có ngân hàng để chúng ta đối sánh.

Ngân hàng Gen đặt mục tiêu, đến năm 2030, có khoảng 20.000 mẫu được xác định danh tính bằng phương pháp giám định AND và 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin được xác minh bằng phương pháp thực chứng.

Một trong những khó khăn hiện nay của giám định gen xác định danh tính liệt sĩ nằm ở việc thiếu cơ sở dữ liệu để so sánh và đối chiếu các mẫu. Khi có kết quả dữ liệu về gen, vấn đề quan trọng tiếp theo là lấy mẫu của người thân rồi đưa vào hệ thống dữ liệu để đối chiếu. Như vậy với ứng dụng chuyển đổi số, Đề án 06 thành lập ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ, các dữ liệu sẽ được kết nối và bổ sung những thông tin. Và với kho dữ liệu lớn ADN của toàn bộ nhân thân liệt sĩ và khả năng đối sánh, tìm kiếm trên diện rộng của công nghệ mới thì việc tìm kiếm danh tính liệt sỹ mang đến nhiều hy vọng với sự chính xác, nhanh chóng.

Từ đó mở ra cơ hội đưa các anh trở về, cũng là cách để tri ân, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ. Xin được thông tin, tất cả thân nhân liệt sĩ thiếu thông tin đều được xét nghiệm miễn phí, các gia đình có thể liên hệ Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tại các địa phương để được hỗ trợ thực hiện./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

  Lừa đảo ‘đặt cọc xe điện’ trên mạng xã hội

Lừa đảo ‘đặt cọc xe điện’ trên mạng xã hội

Pháp luật 27/07/2025

(ANTV) -Lợi dụng chủ trương chuyển đổi xe chạy nhiên liệu hóa thạch sang xe sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp hàng loạt quảng cáo với nội dung “trợ giá xe điện”, “ưu đãi đặt cọc xe máy chỉ từ vài trăm nghìn đồng”. Tuy nhiên, phía sau những lời mời gọi hấp dẫn đó, lại là những chiếc bẫy tinh vi.

Tăng trưởng GDP 8%: Cần giải pháp mạnh tay từ chính sách đến thị trường

Tăng trưởng GDP 8%: Cần giải pháp mạnh tay từ chính sách đến thị trường

Kinh tế 27/07/2025

(ANTV) - Theo tính toán Cục Thống kê (Bộ Tài chính)để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, nền kinh tế Việt Nam cần tăng trưởng tới 8,42% trong 6 tháng cuối năm. Đây được coi là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Để đạt mục tiêu này, phải phát huy tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống bên cạnh các động lực tăng trưởng mới.

TP.HCM hướng tới mô hình siêu đô thị quốc tế

TP.HCM hướng tới mô hình siêu đô thị quốc tế

Kinh tế 27/07/2025

(ANTV) - Việc thành lập TP.HCM mới từ sự hợp nhất 3 địa phương đánh dấu bước chuyển mình mang tính bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị của Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng là rất quan trọng, đồng thời thành phố cần những động lực tăng trưởng mang tính đột phá.

Phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"

Phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"

Xã hội 27/07/2025

(ANTV) - Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), lực lượng Công an các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng tránh sạt lở

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng tránh sạt lở

Xã hội 27/07/2025

(ANTV) - Sau lũ, các hộ dân miền núi ở Nghệ An đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là ở những khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ trước đó, như ở xã Nhôn Mai, Lượng Minh (huyên Tương Dương cũ). Công an các xã đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân.

Xem thêm