Thứ Sáu, 25/04/2025 12:44 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

'Tôi viết bài cho sách giáo khoa từ trải nghiệm 'mắc lỗi' của bản thân'

Nhà văn, nhà giáo Thuần Khang (Đào Quốc Vịnh) chia sẻ kỷ niệm khi trở thành một trong những tác giả có bài viết trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xin giới thiệu bài viết của nhà văn, nhà giáo Thuần Khang:

Cách đây đúng một năm, ngày 21/2/2023, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị viết một câu chuyện về hình ảnh người chiến sỹ công an, với dung lượng 350 tiếng (chữ), để đưa vào Chủ điểm “Vì cuộc sống yên bình”, sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh diều (sẽ được sử dụng từ năm học 2024-2025).

Đọc tin nhắn, trong tôi rối bời biết bao nhiêu cảm xúc. Đó là niềm vui vì được tin tưởng “đặt hàng” viết SGK, đồng thời là sự lo lắng về năng lực bản thân, liệu có đáp ứng được niềm mong đợi và sự tin tưởng đó hay không.

Bài viết của nhà văn Thuần Khang

Tôi vội gọi điện thoại hỏi GS Thuyết về những yêu cầu cụ thể cho bài viết. Ông vui vẻ giải thích trong sách Tiếng Việt lớp 5 có 4 chủ đề: Măng non, Cộng đồng, Đất nước, Ngôi nhà chung. Mỗi chủ đề gồm một số chủ điểm, tổng cộng có 15 chủ điểm. Ông muốn nhờ tôi viết cho một câu chuyện trong chủ điểm “Vì cuộc sống yên bình”, cụ thể là viết về những chiến sỹ công an đang ngày đêm giữ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Nhiều gợi ý được đưa ra, như tôi có thể viết về người chiến sỹ công an phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, những người không quản hy sinh xương máu, tính mạng khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu người dân bị nạn, hướng dẫn các gia đình và cơ quan trong việc phòng chống cháy nổ; cũng có thể viết về anh cảnh sát khu vực, người luôn gần dân nhất, giải quyết những vướng mắc, thậm chí là những bất hòa giữa các gia đình, hay ngay trong mỗi gia đình, và những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống trên địa bàn dân cư do mình quản lý.

Tôi cũng có thể viết về những chiến sỹ cảnh sát giao thông hằng ngày đội mưa, phơi nắng trên những ngã tư đường phố, trên những trạm kiểm soát giao thông, giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên mỗi cung đường của đất nước, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Sau khi nghe gợi ý, tôi cám ơn rồi lặng lẽ đi lại trong căn phòng làm việc nhỏ để suy nghĩ, xem nên viết về đề tài nào cho phù hợp nhất với khả năng và tâm trạng của mình. Rồi tôi mở máy tính, quyết định viết về nữ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở một ngã tư đường phố.

Điều khiến tôi có quyết định này, hay nói một cách bao quát hơn là viết về những chiến sỹ cảnh sát giao thông, lại chính vì câu chuyện riêng mà tôi vừa mới trải nghiệm trước đó đúng 4 ngày.

Đó là sáng hôm 17/2/2023, sau khi làm việc xong tại Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, tôi lái xe chở nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế rời thành phố Tuyên Quang xuôi Hà Nội.

Đường đồi núi quanh co, lại hẹp, xe tôi cứ từ từ đi sau một chiếc xe con màu đỏ cũ kỹ, bám đầy bụi đường, khi chạy phả một luồng khói đen xì rất tức mắt, tốc độ lúc nào cũng chỉ 45 km/h. Ngồi điều khiển xe ô tô sau những chiếc xe như thế bao giờ người lái xe cũng cảm thấy bức bối, khó chịu, tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Vì thế, nhiều lần tôi đã ra tín hiệu xin đường để vượt lên nhưng cứ sắp đi ngang chiếc xe đó, phía trước lại có một xe đi ngược chiều, nên đành phải giảm tốc.

Tôi cứ tiếp tục nhùng nhằng đi sau chiếc xe cũ kỹ kia. Rồi bỗng thấy phía trước xa kia là một khoảng rộng của con đường, vắng teo, không một bóng người và xe đi ngược chiều nên tôi dấn chân ga và tăng tốc. Khi đã vượt qua chiếc xe màu đỏ, tôi liếc nhìn vào công tơ mét và phát hiện ra mình đã điều khiển xe đến 65 km/h, tức là quá tốc độ cho phép 15 km/h.

Một cảm giác lo lắng, lạnh dọc sống lưng, khiến tôi vừa giảm tốc độ, vừa điều khiển xe về đúng phần đường của mình, và bâng quơ nói: “Anh đi quá tốc độ rồi, chắc sẽ bị phạt đấy!”. Nhà thơ Phan Hoàng hỏi: “Vậy sao anh biết?”, còn nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế thì đùa: “Nhà văn lớn, ai mà phạt!”...

Chừng vài phút sau, khi xe tôi đi đến Trạm kiểm soát giao thông đường bộ thì được một cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng lại. Người chiến sỹ cảnh sát trẻ mang quân hàm đại úy đến bên buồng lái, ra hiệu và tôi mở cửa xe bước xuống lề đường. Đồng chí đưa tay chào theo điều lệnh, nhỏ nhẹ nói: “Cháu chào bác, xe bác vượt quá tốc độ cho phép, mời bác vào trạm giải quyết”.

Tôi cầm giấy tờ xe, bằng lái xe và căn cước công dân đi bên cạnh đồng chí, với thái độ nhận lỗi, nói: “Bác biết là bác sai, chỉ mong các cháu giải quyết nhanh để bác kịp về Hà Nội”. Đồng chí ôn tồn: “Thưa bác, chúng cháu không nghĩ người điều khiển xe lại là người cao tuổi như bác, cũng như bố cháu ở nhà… Nhưng chúng cháu đang làm nhiệm vụ, mong bác thông cảm và hợp tác”.

Hai người bạn cùng đi trao đổi với nhau, định nhờ can thiệp. Còn bản thân tôi rút điện thoại, định gọi cho một người bạn, nhờ xin không xử phạt. Tìm được số điện thoại của người bạn, tôi bấm máy gọi, rồi trong khoảnh khắc, tôi tắt máy, hủy cuộc gọi cầu cứu.

Tôi quay lại phía đồng chí đại úy, bảo: “Không sao, bác sai, cháu tranh thủ lập biên bản xử phạt theo pháp luật. Bác chấp hành”. Nghe tôi nói, một đồng chí đeo quân hàm trung tá, chắc là tổ trưởng tổ công tác, vui vẻ nói: “Cháu pha ấm trà mới, mời các bác vừa làm việc vừa uống trà”.

Cả ba chúng tôi vừa uống trà vừa làm việc với ba đồng chí cảnh sát giao thông. Bầu không khí giữa người vi phạm luật giao thông và những người đang thi hành công vụ chẳng hiểu vì sao lại vui vẻ và ân tình như những người bạn lâu ngày mới gặp lại. Người cảnh sát đeo quân hàm đại úy còn hướng dẫn tôi thật tỉ mỉ cách làm thủ tục nộp phạt trên Dịch vụ công qua điện thoại thông minh.

Trên quãng đường vài cây số đi qua cầu Đoan Hùng, sau một khoảng lặng ngắn, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế vừa cười vừa nói: “Huynh ngồi bị lập biên bản mà bình tĩnh, như chẳng có gì xảy ra. Huynh quá bản lĩnh!”.

Tôi chỉ cười, không trả lời. Với tôi, đó là một bài tập sát hạch thực tế rất thú vị, dù tôi đã cầm vô lăng không ít thời gian…

Nhà văn Thuần Khang tại trạm cảnh sát giao thông

Bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe 60 ngày vì vi phạm pháp luật về an toàn giao thông là một nỗi buồn sâu thẳm. Nhưng điều này cũng đồng thời tạo cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, biến thành cảm xúc thực sự, khi nghĩ đến trách nhiệm của công dân của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng suy nghĩ nhiều về trách nhiệm và sự hy sinh của những chiến sỹ cảnh sát giao thông ngày ngày đội mưa, dãi nắng vì sự bình yên cho mỗi cung đường… Chính trong dòng cảm xúc ấy, tôi đã viết về họ khi được “đặt hàng”.

Sau gần một năm gửi bài, mới đây, khi cầm trên tay cuốn SGK có bài viết "Sang đường” của mình, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc và cả sự bồi hồi khi nhớ về kỷ niệm "không vui" ngày đó.

Tôi lâng lâng trong một cảm xúc thật vui sướng vì đã được may mắn và vinh dự góp một câu chuyện nhỏ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần nhỏ bé cùng các thầy cô trên cả nước giáo dục thế hệ tương lai.

Nguồn: vietnamnet

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tạo thuận lợi trong cấp phiếu lý lịch tư pháp

Tạo thuận lợi trong cấp phiếu lý lịch tư pháp

Xã hội 25/04/2025

(ANTV) - Lào Cai - vùng đất biên cương với những bước chuyển mình trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, một loại giấy tờ quan trọng trong nhiều thủ tục pháp lý đang được Công an tỉnh Lào Cai triển khai với nhiều đổi mới tích cực.

Trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá

Trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá

Xã hội 25/04/2025

(ANTV) - Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Để tiếp tục khẳng định và thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta. Sáng ngày 24/4, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2025 đã họp xét, duyệt danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hoàn thiện khung lý luận Bộ Chỉ số an ninh, an toàn quốc gia

Hoàn thiện khung lý luận Bộ Chỉ số an ninh, an toàn quốc gia

Xã hội 25/04/2025

(ANTV) - Sáng ngày 24/4, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Hoàn thiện khung lý luận bộ chỉ số an ninh, an toàn quốc gia. Thượng tướng TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chính phủ xây dựng bộ chỉ số an ninh, an toàn quốc gia chủ trì Hội thảo.

 Lễ trao tặng kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bản tỉnh Lai Châu

Lễ trao tặng kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bản tỉnh Lai Châu

Xã hội 25/04/2025

(ANTV) - Chiều ngày 24/4, tại xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ trao tặng nhà, bàn giao kinh phí hỗ trợ và tổ chức phát động 70 ngày cao điểm ra quân hoàn thành Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tham dự chương trình có đồng chí Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Giàng Páo Mỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tình ủy Tỉnh Lai Châu, đại diện các cơ quan thuộc tỉnh Lai Châu, cùng một số đơn vị tài trợ.

Hướng tới loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030

Hướng tới loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030

Xã hội 25/04/2025

(ANTV) - Ngày 25/4 là ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét. Tại Việt Nam, trong năm qua, hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, cả nước có 48 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét trong năm 2025.

Xét đặc xá cho phạm nhân nước ngoài

Xét đặc xá cho phạm nhân nước ngoài

Xã hội 25/04/2025

(ANTV) - Luật Đặc xá năm 2018 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, thành phần, địa vị xã hội. Do vậy, tất cả các trường hợp đủ điều kiện đều được xem xét đề nghị đặc xá, không phân biệt quốc tịch. Đối với nhiều phạm nhân nước ngoài, niềm vui chờ ngày đặc xá một lần nữa cho họ cảm nhận rõ chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam.

Ký ức hào hùng về tháng 4 lịch sử

Ký ức hào hùng về tháng 4 lịch sử

Văn hóa 25/04/2025

(ANTV) - Dưới cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng tư, khu vực bến Bạch Đằng vẫn thu hút đông đảo người dân TP. HCM đến tham quan, chiêm ngưỡng 15 khẩu pháo được bố trí phục vụ lễ diễu binh, diễu hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem thêm