(ANTV) - Bắt đầu từ ngày 1/4, tất cả những thuê bao di động đang hoạt động, nếu chưa tiến hành chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định thì sẽ nằm trong diện có nguy cơ bị khóa thuê bao. Đây là 1 trong những nội dung đang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua. Vậy việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là gì? Cũng như người dân sẽ được thụ hưởng những điều gì khi tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao?
"Chuẩn hóa thông tin thuê bao”- là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng nằm trong tổng thể việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ ngày 15/3 đến ngày 31/3, là thời hạn được Bộ Thông tin và truyền thông cương quyết đưa ra, nhằm yêu cầu tất cả các doanh nghiệp viễn thông phải tiến hành việc đối soát giữa thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân cũng như cho thấy sự vào cuộc quyết liệt từ các nhà mạng.
Ông Nguyễn Văn Bào, quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: Tôi thấy chủ trương này là tốt. Tôi nhận được tin nhắn thông tin chưa trùng khớp thì đến điểm giao dịch Vinaphone để làm thì thấy nhanh chóng, thuận tiện.
Ông Mai Đặng Duy Khương, Phó Giám đốc Ban Khách hàng cá nhân, VNPT Vinaphone cho biết: Tại các điểm giao dịch nhân viên trực tối thiểu đến 21h để phục vụ cho khách hàng. Đối với các khách hàng gặp khó khăn trong công tác chuẩn hóa, chúng tôi cũng có nhân viên trực tiếp đến gặp khách hàng để thực hiện chuẩn hóa tại nhà.
Vì sao phải chuẩn hóa thông tin thuê bao? Quy trình chuẩn hóa được tiến hành ra sao? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm trong thời gian qua.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Thời gian qua, các cuộc gọi, tin nhắn từ sim rác thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá,…đã trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người.
Đến thời điểm hiện nay, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với trên 124 triệu thông tin “gốc” của công dân được cập nhập, thì việc xác thực, đối soát thông tin thuê bao di động được tiến hành với đảm bảo độ chính xác rất cao.
Theo thống kê, trong tổng số gần 124 triệu thuê bao đang hoạt động hiện nay thì có trên 3,8 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với CSDLQG về dân cư hoặc thông tin thuê bao không đúng quy định.
Theo đó, dữ liệu của từng thuê bao, bao gồm: Họ và tên; Thông tin CMND, CCCD; Ngày cấp, nơi cấp; Ảnh chụp chân dung.
Tệp thông tin khách hàng này sau khi được các nhà mạng tiến hành bộ lọc, sẽ được gửi qua dữ liệu của Bộ Công an. Hai hệ thống này tự động tiến hành đối soát.
Sự sai lệch thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin thuê bao tại nhà mạng có thể do nhiều nguyên nhân như: Lỗi nhập liệu khi thực hiện số hóa dữ liệu thông tin thuê bao đăng ký tại nhà mạng; Lỗi kỹ thuật trong quá trình đối soát hay thay đổi số từ CMND từ 9 số thành 12 số; Thay đổi ngày cấp và hạn sử dụng giấy tờ. Vì vậy, từng trường hợp có thông tin trùng khớp hoặc không trùng khớp, hệ thống dữ liệu của Bộ Công an sẽ trả kết quả về các nhà mạng.
Từ đó, từng thuê bao sẽ nhận được tin nhắn yêu cầu phải chuẩn hóa thông tin và người dùng có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như: Đến trực tiếp đến điểm cung cấp dịch vụ; Qua website chính thức; Hoặc qua các app của các nhà mạng trên điện thoại thông minh.
Để kiểm tra thuê bao, người dùng có thể tự kiểm tra bằng cách nhắn tin miễn phí theo cú pháp TTTB gửi 1414. Sau khi tổng đài nhận được yêu cầu thì sẽ trả về tin nhắn có đầy đủ thông tin như: Họ tên, ngày sinh, số Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp. Và dĩ nhiên. Nếu thông tin này trùng khớp với thông tin của chủ sim điện thoại thì đồng nghĩa người dùng không cần phải chuẩn hóa thông tin.
Hiện có 1 số mốc cụ thể mà người dùng cần lưu ý nếu không cập nhập thông tin, đó là:
Từ ngày 1/4 – 15/4: Thuê bao sẽ bị khóa một chiều.
Từ 15/4 – 15/5: Thuê báo sẽ bị khóa dịch vụ 2 chiều.
Từ sau ngày 15/5: Thuê bao sẽ bị ngừng hoạt động và tiến hành thu hồi số.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đợt này chúng ta mới nhằm vào 3,85 triệu thuê bao, tức là những thuê bao có sự khác lệch giữa 2 cơ sở dữ liệu bao gồm cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu của nhà mạng. Tiếp tục các nhà mạng cần phải rà soát tiếp những tập thuê bao còn lại, liên quan tới những cái dữ liệu, số liệu chưa thực sự chính xác, còn mờ, hoặc dùng những chứng minh thư đã hết hạn sử dụng. Quá trình này phải liên tục. Và tôi hi vọng là đây không phải là đợt cuối cùng mà là bước tiếp theo mà chúng ta có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát và các nhà mạng tiếp tục với đà này tiếp tục đối soát các thuê bao của mình đưa ra các tập cần chuẩn hóa thông tin, mong rằng những người sử dụng cũng thấy những lợi ích cho mình và cộng đồng trong việc chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Đảm bảo việc xác thực dữ liệu dân cư và thuê bao di động được bảo mật tuyệt đối thông tin công dân, tránh tình trạng bị lộ lọt, vì vậy người dân hoàn toàn có thể yên tâm trong việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Chúng tôi cũng đang tiến hành những giải pháp đồng bộ với Bộ thông tin truyền thông trong việc chuẩn hóa thuê bao. Điều này sẽ giải quyết đươc tình trạng sim rác như hiện nay bởi dữ liệu được đối soát là dữ liệu gốc.
Bắt đầu từ năm 2018, việc yêu cầu đăng kí thuê bao đã được triển khai. Tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức đối chiếu, đảm trùng khớp giữa thông tin được khách hàng cung cấp khi mua, đăng ký SIM và thông tin lưu trữ tại nhà mạng.
Từ ngày 1/8/2022, yêu cầu được đặt ra khi tất cả số thuê bao mới khi phát sinh bắt buộc phải được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện với thông tin thuê bao di động chính chủ trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì người dân có thể dễ dàng sử dụng để đăng nhập trên cổng dịch vụ công quốc gia, và thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Làm hộ chiếu phổ thông, giao dịch các dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử. Đặc biệt tiến tới loại bỏ các hành vi lừa đảo, quấy rối từ các cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Mỗi số điện thoại đều đại diện cho một cá nhân cụ thể, chính xác, rõ ràng. Mọi "hoạt động" của SIM sẽ gắn liền với người chủ sở hữu nó.
Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dùng mất SIM nhưng không thể báo khóa thuê bao cũng như khôi phục do thông tin đăng ký không đúng, thậm chí còn bị người khác sử dụng với mục đích xấu, đến lúc này rất bất lợi cho người dùng.
Rõ ràng, nếu sử dụng thông tin không chính xác, thì chắc chắn sự an toàn và quyền lợi người tiêu dùng sẽ không được bảo vệ.
Do đó cùng với sự hoàn thiện cơ sở pháp lý, sự vào cuộc của các doanh nghiệp cùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì cần sự đồng lòng, vào cuộc của chính người sử dụng. Tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao hướng tới xây dựng thị trường dịch vụ điện thoại di động ngày một văn minh và an toàn./.
(ANTV) - Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ngày 25/4 cho biết, đang điều tra đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe rất lớn, sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, các đối tượng trong đường dây này đã nhắm vào việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh.
(ANTV) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đang thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến vụ TNGT xảy ra vào sáng ngày 12/4 tại ngã ba đường Trần Quang Khải và đường Võ Khắc Triển, thuộc địa phận phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới.
(ANTV) - Liên quan đến vụ đánh nữ y sĩ Trạm Y tế xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai vào vào chiều 11/2, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã khởi tố 2 bị can về tội cố ý gây thương tích.
(ANTV) - Ngày 24/4 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công, trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam - Liên bang Nga: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai". Sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt nhằm kỷ niệm những ngày lễ lớn của hai dân tộc và kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
(ANTV) - Công an tỉnh Sóc Trăng vừa khởi tố 10 đối tượng về tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”.
(ANTV) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông “không hài lòng” sau khi Nga phát động đợt tấn công Kiev, Ukraine và gây chết nhiều người nhất trong 9 tháng qua, đồng thời kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin dừng lại.
(ANTV) - Tại trường trung học Notre-Dame de Toutes-Aides ở thành phố Nantes, Tây Bắc nước Pháp đã xảy ra vụ đâm dao khiến 1 người thiệt mạng và 3 người bị thương.
(ANTV) - Trên mặt trận Yemen, quân đội Mỹ đêm qua cũng đã mở thêm nhiều đợt không kích vào quốc gia Trung Đông, đánh phá ác liệt các mục tiêu của lực lượng Houthi ở khu vực thủ đô Sanaa và đảo Kamaran thuộc thành phố cảng Hodeidah.
(ANTV) - Quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pahalgam, khu vực Jammu và Kashmir. Vụ xả súng vào khách du lịch hôm qua là vụ tấn công tồi tệ nhất trong nhiều năm qua nhằm vào dân thường tại khu vực bất ổn mà cả Ấn Độ - Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Ấn Độ và Pakistan sau đó đã cùng đưa ra một loạt các biện pháp đáp trả mạnh mẽ, trong đó có cả hạ cấp quan hệ và trục xuất các cố vấn quân sự.
(ANTV) - Giống như các nước Nam Âu khác, Hy Lạp thường hứng chịu các vụ cháy rừng vào mùa Hè. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, khiến nhiệt độ Trái Đất ấm lên. Trước những kịch bản tồi tệ có thể xảy ra trong năm nay, chính quyền Hy Lạp cho biết sẽ triển khai quân số kỷ lục lên tới 18.000 nhân viên cứu hỏa để sẵn sàng ứng phó trước các vụ cháy rừng.